Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Kitô giáo trong phong trào tục hóa


I. Tục hóa là gì?

1. Thánh và Phàm, Tiên và Tục

Tục hóa (hoặc Trần tục hóa, Thế tục hóa, Trần thế hóa) theo nghĩa rất tổng quát, là trở thành trần tục, được trả về trần tục. Thuật ngữ này hàm nghĩa rằng có 2 lãnh vực, 2 thế giới phân biệt, khác nhau, đó là thế giới “tầm thường” của con người và một thế giới thánh thiêng, siêu phàm. Người Việt nam chúng ta thường đối chiếu thánh với phàm, tiên với tục. “Phẩm tiên đã bén tay phàm” (Nguyễn Du). Không phải chỉ có thần tiên mới thuộc về thánh giới, mà tất cả những gì – người hay vật – có liên quan mật thiết với nó cũng đều được chia sẻ tính cách thánh thiêng của nó. Trong ngôn ngữ Việt Nam người tài đức xuất chúng được gọi là thánh hiền và người tầm thường là phàm phu tục tử. Người ta đề cao bậc tu hành vì họ đã “thoát tục”.
Đã có và vẫn còn những xã hội trong đó
thánh giới và phàm giới không phân định ranh giới vì thánh giới bao trùm, thâm nhập và chi phối toàn bộ đời sống con người (sinh hoạt, tổ chức, quyền bính v.v…), thậm chí thiên nhiên cũng linh thiêng vì chúng là biểu hiện của thần linh – Sự thâm nhập và chi phối đó thường được thực hiện qua tôn giáo với những biểu tượng, nghi thức, thể chế và giới tăng lữ. Xã hội Trung cổ Tây phương đã là một xã hội như thế.
Vậy tục hóa (sécularisation) thì đối lập với thần thiêng hóa (sacralisation) và do đó giải thiêng (như đã đề cập ở bài trước) cũng là một tiến trình tục hóa, loại cái thiêng ra khỏi cái tục, trả tôn giáo về với thánh giới để cho phàm giới được trọn vẹn là phàm giới.
Xét về mặt lịch sử, khái niệm tục hóa đã xuất hiện ở Tây phương Kitô giáo và vì thế nên được đặt vào bối cảnh văn hóa xã hội Tây phương để hiểu rõ hơn.

2. Khi đạo và đời là một liên minh bất khả phân chia

Văn hóa Tây phương tự cốt lõi là một nền văn hóa Kitô giáo. Nó kết hợp nhiều yếu tố: di sản văn hóa Hy-lạp, văn hóa La-mã, các nền văn hóa của các dân “man – di” sau khi đế quốc Rôma sụp đổ (năm 476) và Kitô giáo, trong đó Kitô giáo là nền tảng, là chất keo dính kết và là nguyên lý tổng hợp và tổ chức.
Kể từ thế kỷ thứ VI bắt đầu hình thành một hình thái xã hội đặc biệt, mệnh danh là Kitô giới(chrétienté), sẽ đạt tới đỉnh cao rực rỡ vào thế kỷ XII và XIII. Đó là một thực tại vừa tôn giáo, vừa chính trị, xã hội và văn hóa.
Về mặt tôn giáo, đức tin Kitô giáo được hết thảy mọi người, mọi tầng lớp chấp nhận, nó là điểm qui chiếu mang lại sự thống nhất và ý nghĩa cho đời sống con người, cá nhân cũng như tập thể. Không phải lúc nào người ta cũng đạo đức thánh thiện, đầy tinh thần Phúc âm cả đâu, nhưng ngay cả những lúc họ tồi tệ nhất, họ vẫn thừa nhận đức tin ấy và để cho nó phê phán mình.
Về phương diện chính trị và xã hội, những dân tộc khác nhau kết thành một gia đình vĩ đại dưới quyền lãnh đạo tinh thần tối cao của Đức Giáo Hoàng. Thế quyền lệ thuộc thần quyền vì mọi quyền bính đều được coi là phát sinh từ Thiên Chúa và vì vật chất phải lệ thuộc tinh thần, tự nhiên lệ thuộc siêu nhiên. Trong sự lệ thuộc đó, các hoàng đế và vua chúa trở thành “cánh tay trần thế” của Giáo hội. Đạo và đời hòa trộn với nhau thật khó phân biệt.
Vai trò xã hội của Kitô giáo là đương nhiên và thật hiển nhiên. Giáo hội mở các trường học, các đại học, nhà thương, nhà tế bần, Giáo hội bảo vệ công lý, có những thời, những nơi các chức sắc của Giáo hội nắm quyền xét xử…
Tổ chức xã hội trên cũng được phản ánh trong văn hóa. Lý tưởng ở đây vẫn là sự hòa hợp giữa lý trí và đức tin, giữa Triết học và Thần học mà tiêu biểu là những tổng hợp tư tưởng lớn ở thế kỷ XIII, như tổng hợp của thánh Thomas và thánh Bonaventura. Đặc biệt thánh Thomas được coi là người đã rửa tội cho Aristote. Khoa học phát triển chậm vì còn quá lệ thuộc và Siêu Hình Học.
Nền văn minh Kitô giáo Trung cổ, đặc biệt hình thái xã hội mệnh danh là Kitô giới nói trên đã phát sinh từ những hoàn cảnh lịch sử nhất định, tuy khá rực rỡ nhưng tất nhiên cũng có nhiều hạn chế, và bước qua thế kỷ XV nó đã chứng tỏ là không còn thích hợp nữa. Nhưng Giáo hội đã không bén nhạy với những hoàn cảnh đổi thay. Mãi đến năm 1864 trong bản Syllabus, Đức Giáo Hoàng Piô IX vẫn còn tuyên bố không thể “làm hòa với nền văn minh hiện đại”. Văn kiện này đã liệt kê ra và lên án 80 sai lầm của thời đại, trong đó có “sai lầm” đòi giáo hội và nhà nước phải tách rời nhau, điều mà hầu hết các xã hội ngày nay coi là đương nhiên.

3. Tục hóa là gì?

Từ mấy điều nêu trên về bối cảnh lịch sử, chúng ta có thể rút ra 2 nghĩa chính của sự tục hóa.
a. Nghĩa pháp lý và chính trị
Ngày nay hiện tượng tục hóa đang phổ biến trong hầu hết các xã hội. Người ta coi nó như một đòi hỏi của tính hiện đại. Ở cấp độ thông thường nhất người ta đòi hỏi các Giáo hội phải được tách rời khỏi nhà nước. Một nhà nước hiện đại không chấp nhận sự thống trị của thẩm quyền tôn giáo, nhưng tự quyết định các mối quan hệ của mình với tôn giáo, hoặc cầm giữ tôn giáo dưới quyền bảo hộ của mình, hoặc coi như không biết gì tới tôn giáo nhân danh sự trung lập của nhà nước đối với mọi tín ngưỡng.
Hiện nay tại Châu Phi và Châu Á người ta thấy một số chính quyền đang cố sức bảo vệ tính trần tục của nhà nước trước sức tấn công của những phong trào Hồi giáo cực đoan đòi phải hồi giáo hóa toàn bộ đời sống đất nước.
Ghi chú
- Giáo luật (của Giáo hội công giáo) dùng thuật ngữ tục hóa để nói về một tu sĩ được giải khỏi những ràng buộc của lời khấn để hồi tục. Người ta vốn quan niệm rằng đi tu là rời bỏ thế gian (xuất tục) (GL 684,2).
- Người ta cũng áp dụng thuật ngữ tục hóa cho trường hợp những vật dụng, nơi chốn và mọi thứ liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới việc phụng tự của giáo hội bị nhà nước chiếm dụng vào một mục đích khác. Điều này đã xảy ra ồ ạt ở Pháp vào thời đại cách mạng thế kỷ XVIII và ở Đức thế kỷ XIX.
b. Nghĩa văn hóa, lịch sử
Tục hóa là một phong trào phát sinh vào cuối thời trung cổ, nhằm tách rời lãnh vực trần thế ra khỏi lãnh vực tôn giáo để giành độc lập cho các giá trị tự nhiên, bằng cách đặt chúng dưới quyền của Lý Trí. Phong trào này được sửa soạn bởi chủ nghĩa Duy Danh trong Triết học thế kỷ XIV, nhưng bằng chứng hùng hồn nhất của nó là chủ nghĩa nhân bản của phong trào Phục Hưng (Renaissance) trong hai thế kỷ XV- XVI, với chủ trương quay về với nền văn hóa tiền Kitô giáo.
Từ nay các thực tại trần thế như văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, xã hội , chính trị, kinh tế… thoát ly khỏi sự kiềm tỏa, sự chi phối của tôn giáo và quyền bính của tôn giáo vốn là nét tiêu biểu của xã hội Trung cổ.
Phong trào tục hóa vừa là dấu hiệu vừa là đòi hỏi của con người tự cảm thấy đã trưởng thành, không cần sự bảo trợ của các giáo hội nữa, song tự mình xây dựng lấy cuộc sống trần thế, tự làm chủ lấy định mệnh mình với những nguyên tắc và phương tiện của Lý trí, đặc biệt Lý trí dưới hình thức khoa học, kỹ thuật.
Tục hóa đã phát sinh trong bầu khí ít nhiều căng thẳng với tôn giáo, dần dần trờ thành thù nghịch, kể từ thế kỷ XVIII được mệnh danh là thế kỷ Ánh sáng.
“Vậy thuật ngữ tục hóa chỉ quá trình tách lìa, đoạn tuyệt và giải phóng của tất cả mọi lãnh vực đời sống con người khỏi niềm tin Kitô giáo, trước đó vốn là yếu tố nối kết và mang lại ý nghĩa cho đời sống ấy. Quá trình này bắt đầu lẻ tẻ cuối thời Trung cổ, đã trở thành phổ biến thời cận đại. Từ nay người ta không còn hiểu thế giới và con người từ nhãn quan Kitô nữa. Điều này dẫn tới một đàng là sự “giải mê” (Entzauberung) cho thế giới, đàng khác là sự tự lập hóa và sự dị biệt hóa (différenciation) của các lãnh vực cốt yếu của xã hội (bắt đầu là nhà nước, các giá trị tinh thần, các giá trị kinh tế, phương pháp luận khoa học). Song song với sự “phân mảnh” của xã hội Giáo hội chỉ còn là một lãnh vực riêng, được xác định rõ trong xã hội hiện đại, điều này cuối cùng đã tạo ra một sự đối kháng giữa cách hiểu đặc thù, không trần tục của Giáo hội và những lãnh vực khác nhau mang tính trần tục.
Vậy tục hóa chỉ một trào lưu tư tưởng đưa tới một sự loại trừ Kitô giáo – trào lưu này bắt nguồn trong một ý chí rõ ràng là trần tục (phi Kitô giáo hay nói cách khác, phi tôn giáo) và kết thúc, nó đã thâm nhập rất sâu xa vào mối quan hệ của con người hiện đại với chính mình, với lịch sử (…) và với thiên nhiên” (Johann Figl: Sécularisation, trong: Dictionnaire de Théologie, Cerf, Paris, 1988, tr. 695 – 696).
Hậu quả của tục hóa đối với Giáo hội là: mất quyền chi phối xã hội; mất hoặc giảm bớt vai trò xã hội của Kitô giáo; các biểu tượng tôn giáo không còn ý nghĩa xã hội nữa; đức tin bị đẩy ra khỏi phạm vi công quyền để trở thành chuyện riêng tư và tôn giáo bị tương đối hóa, không còn là nguồn chân lý duy nhất nữa.
Trong xã hội tục hóa, Kitô giáo vẫn có thể tác dụng trên xã hội nhiều ít tùy theo mối quan hệ và sự cộng tác giữa chính quyền và giáo quyền, nhưng  phần nhiều là thông qua người tín hữu sống trong xã hội. Vì thế Công Đồng Vatican II đã kêu gọi phải đào tạo nhiều giáo dân có khả năng chuyên môn để dấn thân trong mọi lãnh vực đời sống công cộng.
c. Chủ nghĩa thế tục
Sự tục hóa đôi khi không dừng lại ở chỗ tách lìa trần thế ra khỏi tôn giáo và đẩy tôn giáo vào phạm vi riêng tư như một trong các lãnh vực khác của đời sống con người nhưng còn đi xa hơn. Từ chỗ đòi quyền tự lập cho tục giới, người ta dễ dàng đi tới chỗ coi tôn giáo là chuyện không cần thiết, thậm chí còn có hại cho tiến bộ và hạnh phúc của con người, và cuối cùng trong lý thuyết hay trong thực hành, người ta chỉ còn nhìn nhận một thực tại duy nhất là Trần thế.
Khi tục hóa đạt tới mức đó, người ta gọi đó là chủ nghĩa thế tục (Sécularisme), thường đi đôi với chủ nghĩa vô thần.
Chủ nghĩa thế tục là hình thức triệt để của sự tục hóa, đoạn tuyệt dứt khoát với tôn giáo. Nó đóng khung con người vào trong phạm vi hoàn toàn trần tục. Chiều kích tôn giáo hay siêu việt của con người và lịch sử bị loại trừ, thậm chí bị phủ nhận. Từ thế kỷ XIX trở đi chủ nghĩa thế tục trở thành một vũ trụ quan bài tôn giáo (xem Johann Figl: bđd. Tr. 695).

II. Đánh giá tục hóa theo quan điểm Kitô giáo

1. Lập trường của Giáo hội

Công Đồng Vatican II đã chỉ gián tiếp đề cập tới hiện tượng tục hóa trong Hiến chế mục vụ khi nói về các hoạt động của con người.
Đối với Giáo hội Tục hóa hiểu như sự tách lìa tôn giáo với xã hội trần thế để cho trần thế được độc lập trong phạm vi của mình là một điều hợp lý và hơn nữa còn phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.
“…nhiều người đương thời xem ra lo ngại rằng sự liên kết quá chặt chẽ giữa hoạt động của con người và tôn giáo sẽ làm ngăn trở sự độc lập của con người, của xã hội hoặc của khoa học.
Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế có ý nghĩa là các tạo vật và các xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, sử dụng và điều hòa, thì đòi hỏi một sự độc lập, như thế là một việc hoàn toàn chính đáng: Đó là điều không những đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với ý muốn của tạo hóa. Thực vậy, chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thật và tốt lành cùng những định luật và những trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy, phải nhìn nhận các phương pháp cá biệt của mỗi khoa học và kỹ thuật. Bởi vậy việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ thực sự trái nghịch với đức tin vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra. Hơn nữa những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu những bí ẩn của sự vật, mặc dù không ý thức, nhưng vẫn được bàn tay Chúa hướng dẫn, vì Ngài là Đấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của mỗi loài. Do đó đôi khi chúng ta có thể phàn nàn một số tâm trạng nơi các Kitô hữu, không hiểu rõ sự độc lập hợp lý của khoa học. Những tâm trạng này gây nên nhiều cuộc tranh luận và bất đồng ý kiến nhiều người nghĩ rằng đức tin và khoa học đối nghịch nhau” (số 36).
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng nói rằng có gì bình thường hơn. Vì khi những cơ chế, những của cải và những con người được đưa ra khỏi quyền hành hay sự kiểm soát của hàng giáo phẩm? Ta hãy nghĩ tới những công cuộc xã hội, văn hóa… mà trong quá khứ Giáo hội đã buộc phải đảm nhận thay thế cho quyền đời. (Documentation catholique 7 (1971) 302 – 303). Ngài chống lại những ai suy nghĩ rằng “không thể có một nền Triết học nhân loại, không thể có giải đáp nhân loại cho các vấn đề của Kitô giới này ngoài đức tin của Hội thánh và những áp dụng của các nguyên tắc Kitô giáo… Đẩy chiều hướng suy tư này cho đến cùng, phải chăng là chối bỏ trách nhiệm của con người, mà trách  nhiệm đó lại là phần thiết yếu của sự cao cả của con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa? Và phải chăng là từ chối cộng tác thành tâm với mọi người thiện chí không chia sẻ đức tin của chúng ta?” (Bđd).
Nhưng Giáo Hội không thể chấp nhận chủ nghĩa Thế tục, chủ trương loại trừ Thiên Chúa ra khỏi xã hội, đòi hỏi một sự độc lập tuyệt đối cho con người trước định mệnh mình đến nỗi trong mọi công cuộc xây dựng trần thế và mọi giá trị tự nhiên, người ta hoàn toàn tự do định đoạt mà không cần qui chiếu về Thiên Chúa (xem MV số 36).
Người tín hữu có một sứ mệnh tiên tri trước khuynh hướng trên. Họ phải phản kháng trước xu hướng của con người tục hóa tự đóng kín lại trên mình, vào sức riêng để tự giải thoát khỏi mọi nỗi khốn khổ của mình, kể cả những khốn khổ do tội lỗi và sự chết (ĐGH Phaolô VI, xem Doc. Cath. 15 (1974) 304).

2. Tục hóa như một chủ đề Thần học

Tục hóa đã trở thành một chủ đề Thần học gây nhiều tranh luận trong những thập niên 50 và nhất là 60.
Theo một số nhà Thần học, tục hóa có nguồn gốc trong chính Kitô giáo và không phải là cái gì đáng sợ, trái lại còn có một ý nghĩa tích cực đối với Kitô giáo nữa. Những người đi xa nhất trong hướng này là “các nhà Thần học về cái chết của Thiên Chúa”, hầu hết là người Mỹ như William Hamilton (The new essence of christianity, 1961), Paul Van Buren (The secular meaning of the Gospel, 1963) và Thomas Altizen (The Gospel of christian Atheism, 1966). Họ đề xướng một cách giải thích “trần tục” về Kitô giáo, cuối cùng đưa tới một Kitô giáo vô tôn giáo, thậm chí một Kitô giáo vô thần. Ngày nay quan điểm của họ chỉ còn là chứng tích của một thời đã qua.
Quan trọng hơn có lẽ là lập trường của nhà Thần học Tin lành người Đức Friedrich Gogarten (Destin et Espérance de l’époque moderne, 1953). Theo ông tục hóa đã được bao hàm trong niềm tin Kitô giáo. Thế giới này không phải là một thực tại tối hậu và linh thiêng vì nó là công trình của Chúa sáng tạo. Và nó chỉ là như thế. Nhưng nó là nơi cho hoạt động tự lập và có trách nhiệm của con người, vì sự cứu rỗi là ơn nhưng không của Chúa ban, không do công trạng của con người nhưng đức tin của ta lại đòi hỏi phải có hành động. Đàng khác con người sống trong mối quan hệ phụ tử với Thiên Chúa. Vì là con cái, họ có trách nhiệm đối với thế giới, phải bảo đảm những gì thuộc về Cha trong thế giới này, như những đứa con trưởng thành được Cha giao phó trần gian để phục vụ.
Chủ nghĩa thế tục là sự tục hóa đã bị cắt đứt khỏi gốc rễ Kitô giáo của nó. “Tất cả thuộc về anh em nhưng anh em thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3, 21- 23). Chủ nghĩa thế tục quên mất hai phần sau trong lời thánh Phaolô.
Về phía Công giáo, nhiều người cũng đã suy nghĩ về vị trí và vai trò của Kitô giáo trong thế giới tục hóa một cách tích cực như Karl Rahner (Mission et Grâce, 1959), M.D. Chenu (L’Évangile dans le temps, 1964), nhất là J.B. Metz (Pour une théologie du monde, 1968). Metz lấy lại luận đề của Gogarten nhưng đi xa hơn. Ông đặt sự tự lập của trần thế trên biến cố Nhập Thể. Thiên Chúa đã chấp nhận thế gian một cách dứt khoát trong Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Giáo Hội là dấu hiệu của sự chấp nhận này. Trong biến cố Nhập Thể, trần gian được trở thành tự lập như lãnh vực cho hoạt động có trách nhiệm của con người.
Để tránh nguy cơ tục hóa toàn diện của chủ nghĩa thế tục cũng như khuynh hướng “tư nhân hóa”quá đáng đức tin Kitô giáo của Gogarten, Metz phác thảo một “nền Thần học chính trị” để triển khai vai trò công cộng và xã hội của sứ điệp Kitô giáo.
Ngược kại với các tác giả trên đây, một số nhà Thần học Tin lành cũng như Công giáo như Karl Barth, Romano Guardini, Hans Urs Von Balthasar, lại coi sự ra đời của thế giới tục hóa hiện đại là một suy thoái chống lại Kitô giáo. Tục hóa không phát sinh từ Kitô giáo nhưng là một phong trào được áp đặt từ ngoài với chủ ý bài Kitô giáo; nó là “bất hợp pháp” khi muốn lấy lại các giá trị Kitô giáo mà đồng thời lại chối bỏ Kitô giáo để tự tuyên bố là hoàn toàn tự lập. (Xem Rosino Gibellini: Panorama de la théologie au XX e siècle, Paris, Cerf 1994, ch.6, tr. 139 – 172).

3. Vài nhận xét

Tục hóa là một hiện tượng phức tạp bao gồm nhiều mặt, nhiều trình độ và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều đáng lưu ý là hiện tượng này đã phát sinh từ Tây phương Kitô giáo.
Cho rằng, nó là hậu quả trực tiếp của đức tin Kitô giáo chắc hẳn là không đúng vì nếu thế, tại sao lại phải mất bao nhiêu thế kỷ, mãi tới thế kỷ XVIII nó mới tự khẳng định được? Và tại sao nó gặp phải sự chống đối quyết liệt của Giáo Hội mãi đến thời  Công đồng Vatican II?
Nhưng cũng chắc chắn là Kitô giáo có liên quan cách này hay cách khác tới tục hóa. Nét tiêu biểu trong hiện tượng lịch sử này là con người có một cách hiểu chính mình và thế giới độc lập với tôn giáo, trong đó người ta nhấn mạnh đến tự do, trách nhiệm, sự làm chủ số phận mình và lịch sử. Không một niềm tin tôn giáo nào đề cao thời gian lịch sử như Kitô giáo. Về mặt này tục hóa nằm đúng trong đòi hỏi của đức tin Kitô giáo. Tiếc thay chủ nghĩa thế tục (và những nền Thần học chấp nhận chủ nghĩa này) đã đi ngược lại với đòi hỏi ấy khi lấy con người làm điểm qui chiếu duy nhất, loại trừ mọi qui chiếu tôn giáo hay siêu việt.
Nhiều người gọi tục hóa là một sự kiện hậu Kitô giáo. Nó là “một hiện tượng chưa từng có xét về mặt lịch sử; tầm ảnh hưởng độc nhất vô nhị của nó liên hệ tới cơ cấu đặc thù của Đạo Kitô mà người ta phủ nhận hoặc không còn thấy mình có dính líu tới nữa. Hoàn cảnh hậu Kitô giáo đủ để cấm người ta quay trở lại với kinh nghiệm của ngày xưa về thế giới chẳng hạn, nhưng đồng thời cũng giữ gìn cho người ta khỏi lãng quên Kitô giáo” (J. Figl, bđd, 699).
Chúng ta đã nói rằng tục hóa đã phát sinh trong xã hội Tây Phương từ sau thời Trung Cổ Kitô giáo. Đây chính là thời phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đưa tới cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ XVIII. Dường như tục hoá cũng bước đồng nhịp với khoa học kỷ thuật. Chắc chắn tiến bộ của khoa học là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa tới hiện tượng đó. Tự nó khoa học không nhất thiết loại trừ Thiên Chúa, nhưng do phương pháp và đối tượng của nó, khoa học không đề cập đến những vấn đề có tính triết học và tôn giáo như ý nghĩa, giá trị và đạo đức. Từ chỗ không nói tới đến chỗ phủ nhận, con đường nhiều khi rất ngắn. Đàng khác, khoa học không ngừng gia tăng quyền lực, sức mạnh của con người khiến cho họ dễ lầm tưởng rằng họ có thể giải quyết được mọi vấn đề.
Ngày nay khi nói tới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các nước Á-Phi đều nghĩ tới mô hình xã hội Tây phương đặt dưới dấu hiệu của khoa học kỹ thuật. Nhưng mô hình này, đặt biệt trong chiều hướng tục hoá triệt để, đang gặp khủng hoảng. Sự quay lại của tôn giáo tại đó phải chăng là một lời tố giác?
III. Sự quay lại của tôn giáo và ý nghĩa của nó*
Hai mưới năm sau khi viết cuốn The secular City (1965) Harvey Cox, nhà thần học Mỹ, nhìn nhận rằng những gì ông đã cùng với D. Bonhoeffer và những người khác tiên đoán về sự biến mất của tôn giáo trong xã hội tục hoá là sai. Tôn giáo đã trở lại trong các xã hội Tây phương từ vài chục năm nay, đặc biệt là các giáo phái đủ loại và những nền linh đạo Á châu như Phật giáo, Thiền. Điều đó cho thấy rằng sự phát triển nhằm vào sự tăng trưởng vật chất vô giới hạn để thỏa mãn các nhu cầu có thực hoặc giả tạo không ngừng gia tăng của con người, đã gặp bế tắc. Văn minh tiêu thụ cung cấp cho người ta đủ thứ nhưng con người cảm thấy hụt hẩng, cô đơn, trống trải, mất phương hướng và bị đe dọa hơn.
Xã hội hiện đại cố tình loại trừ Thiên Chúa để rồi thay thế vào đó những thần tượng giả như: lý trí, khoa học, tiền bạc, tiến bộ… Nó muốn phủ nhận khía cạnh huyền nhiệm và tôn giáo của thực tại và của đời sống con người nhưng chiều kích đó lại xuất hiện dưới nhiều dạng “trần tục” khác nhau như trong lãnh vực ca nhạc (hiện tượng nhạc Pop) hay thể thao quần chúng chẳng hạn. Song tất cả các thứ trên đều không mang lại cho người ta sự bình an trong tâm hồn và sự hài hoà trong quan hệ với tha nhân và với thiên nhiên mà nền văn minh hiện đại càng ngày càng phá vở.
Một số nhà tư tưởng cho rằng chúng ta đang sống vào thời “hậu hiện đại”. Khái niệm “hiện đại” bao gồm lòng tin tưởng lạc quan vô bờ đối với cuộc sống nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, còn khái niệm “hậu hiện đại” (postmodernité) lại được tiêu biểu bởi tâm trạng bi quan của chủ nghĩa hư vô (Nihilisme), không tin tưởng vào cái gì chắc chắn, vững bền và đáng giá (xem thông điệp Đức tin và Lý trí của Đức Giáo Hoàng Jean Paul II, số 91).
Những sự quay lại của tôn giáo không có nghĩa là một sự hồi sinh đặc biệt cho các Giáo hội Kitô giáo ở Tây phương. Nói chung người ta thích những tổ chức tôn giáo ít ràng buộc về giáo lý và nghi thức, và nặng về cảm nghiệm tâm lý hay thần bí hơn Đạo Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo và Chính Thống Giáo. Giới trí thức và nghệ sĩ thường chọn Phật Giáo hoặc Thiền vì tìm thấy trong đó một sự triển nở cá nhân, mang lại bằng an cho tâm hồn và thể xác. Trong Phật giáo, họ nhìn thấy một triết lý hơn là một tôn giáo với các nghi lễ và qui tắc bó buộc và mỗi người tự do áp dụng triết lý đó thích hợp với nhu cầu riêng của mình. Một tác giả viết:
“Ngày nay, mỗi tín đồ tạo cho mình một chút tín điều riêng. Điều đó đúng cho mọi trường hợp và còn đúng hơn trong trường hợp Phật giáo, một tôn giáo không có một bản giáo lý để qui chiếu, không quyền hành trung ương, không còn chút ý thức nào về nguồn gốc của nó và chỉ biết đáp lại đòi hỏi của các cá nhân: không phải là một câu trả lời cho những vấn đề nhưng là một sự trợ giúp cho cuộc sống, một nơi ẩn trú chống lại đau khổ. Trong điểm này, Phật giáo có tính hiện đại. Tôi nghĩ rằng nó không có ý nghĩa nào khác” (Marcel Gauchet, trích theo Francois Landon: Le Boudhisme. Comment jeter Dieu et garder la religion. Trong báo l’événement du jeudi, tuần lễ 23/2 – 1/3/1995, trang 63).
Người Tây phương hôm nay muốn quay về với tôn giáo nhưng không muốn nhìn nhận Thiên Chúa và những đòi hỏi gắt gao của luân lý. Họ không muốn đánh mất một số điều “lợi” mà nền văn minh tục hoá hiện đại đã đem đến cho họ. Họ cần siêu việt nhưng không hướng lên một Tuyệt đối thể nào; cái siêu việt mà họ nhắm tới là một cái gì vượt qua cái tầm thường và giới hạn nhưng vẫn nằm trong nhãn giới của họ và họ có thể “sử dụng” được. Tựu trung tôn giáo cũng nằm trong nền văn hóa tiêu thụ nhằm phục vụ lợi ích của các cá nhân.
Từ Công đồng Vatican II tới nay, ta chưa bao giờ thấy Tòa Thánh tỏ ra lo lắng và tìm cách đối phó với sự phát triển của nền văn minh hiện đại như ngày nay. Tòa Thánh không ngừng khẳng định các nguyên tắc, xác định giáo lý, giáo điều, gia tăng các lời cảnh cáo hoặc kết án và dùng tới những sự can thiệp mạnh dựa vào hệ thống cai quản, đến nỗi có một luồng dư luận khá mạnh trong nội bộ Giáo hội cho rằng Giáo quyền không hiểu con người hiện đại, hoặc ít nhất có cách đánh giá quá tiêu cực đối với nền văn minh hiện đại… và như thế các biện pháp của Tòa Thánh ít đánh trúng vấn đề trọng yếu.
Dù sao tình hình phức tạp của thế giới  tục hóa và con người tục hoá có thể chỉ ra vài điều như sau:
- Giáo Hội cần nhấn mạnh hơn tới chiều kích chiêm niệm và thần bí (mystique) của đời sống Kitô giáo. Sự thành công của các nhóm canh tân đoàn sủng và các cộng đoàn Kitô hữu cơ sở là sự kiện đáng cho ta suy gẫm. Tại Đại hội các Giám Mục Á châu 1998, Các Giám Mục chúng ta phát biểu rằng: người công giáo Việt Nam có tâm hồn chiêm niệm. Khẳng định này cần phải được phân tích kỹ hơn và nhất là cần được nhấn mạnh trong thực hành.
- Giáo hội nên tỏ ra nhạy cảm hơn trước những đòi hỏi về tự do, dân chủ và quyền lợi của giáo dân và phụ nữ trong Giáo hội
- Thay vì dồn sức vào việc khẳng định và bảo vệ sự tinh tuyền của giáo lý, Giáo Hội ít nhất cũng nên dồn bấy nhiêu sức lực vào việc phát huy chứng tá đời sống trong các lĩnh vực bác ái, tình liên đới, công lý, hòa bình và bảo vệ môi sinh. Ảnh hưởng rộng lớn của một người như Mẹ Teresa Calcutta (bác ái) hay của chính Đức đương kim Giáo Hoàng (vấn đề quyền con người) là không thể chối cãi được.
Người Công giáo Việt Nam không gặp khó khăn gì trong việc chấp nhận giáo lý, giáo điều: họ tin hết mọi điều Giáo Hội dạy. Nhưng người ta lại thường đánh giá chất lượng đời sống tôn giáo của họ trên bình diện Đức Tin không sai chạy (vâng lời) và thực hành chuyên cần các bí tích hơn là ở đời sống bác ái, công bằng.
IV. Nói về Thiên Chúa như thế nào?
Phải nói về Thiên Chúa như thế nào với con người hiện đại? Câu hỏi này không hàm ý rằng ta phải uốn nắn hình ảnh về Thiên Chúa lại để chiều theo ý con người, nhưng là: một đàng loại bỏ những hình ảnh và ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa; đàng khác tìm ra được những điều nhạy cảm của con người hiện đại, để lời nói của ta về Thiên Chúa có một ý nghĩa cho họ.
Nhưng trước hết ta nên tóm tắt lại: Con người ngày nay là con người như thế nào? 

1. Chân dung của con người tục hóa

Như đã nói, tục hóa gồm nhiều mặt và trình độ khác nhau. Ở đây ta hiểu tục hoá theo nghĩa rộng như một nét lớn  của nền văn minh hiện đại.
a. Mấy nét tiêu biểu của thế giới tục hóa
1) Tính vững chắc (consistence) của nó: nghĩa là trong trật tự riêng của nó, thế giới là một thực tại đầy đủ với cơ cấu, luật lệ và cứu cánh riêng, bởi vậy nó có thể tự mình đứng vững, mà không cần tựa vào tôn giáo, không cần được tôn giáo biện minh, không phải chỉ là phương tiện so với cứu cánh của tôn giáo, để phục vụ cho tôn giáo.
2) Tính tự lập của con người: trong trật tự tự nhiên (mà thần học gọi là trật tự của sự Sáng tạo của Thiên Chúa) con người có đủ những gì cần thiết để tự phát triển và làm chủ vạn vật, chẳng hạn làm văn hoá, kinh tế và chính trị.
3) Tính khoa học, tính hợp lý: điều này là hiển nhiên rồi.
4) Tính hiệu quả (efficacité): con người trần tục hóa ít cần đến ý nghĩa của sự vật cho bằng biết nó có ích lợi gì; có thể sử dụng cách nào trong cuộc sống. Họ đánh giá các sự việc và con người theo tiêu chuẩn hiệu năng.
5) Uy tín của các khả năng chuyên môn (compétence). Ở đây chức tước và tôn ti trật tự không đáng kể cho bằng khả năng chuyên môn về nghiệp vụ, khoa học và kỹ thuật.
b. Mấy đặc điểm về con người tục hóa
1) Thực ngiệm (positif), thực tế (pratique): không thích siêu hình, không thích lý thuyết suông, chỉ muốn đặt những vấn đề có thể giải quyết được mà thôi.
2) Trưởng thành, có trách nhiệm cao về sự tự do, tự lập và trách nhiệm của mình.
3) Hữu hiệu (efficace): nhằm được việc, đạt hiệu quả cao nhờ tận dụng lý trí và kỹ thuật (hợp lý hóa công việc).
4) Có tinh thần xã hội hơn, do các phương thức sản xuất tư bản cũng như xã hội chủ nghĩa, do các phương tiện truyền thông v.v…
5) Mỏng dòn hơn về mặt tâm lý và tinh thần.

2. Vài hình ảnh sai lệch về Thiên Chúa

Thời đầu của Giáo Hội, người kitô hữu đã bị những người đương thời coi là vô thần, bởi vì họ rao giảng một vị Thiên Chúa khác hẳn với mọi thần linh, với những gì mà người chung quanh đều coi là thần thánh, như quyền bính nhà vua, tiền tài, thú vui…
Chúng ta không thể nói về Thiên Chúa mà không cần tới hình ảnh. Chúng ta bó buộc phải làm như thế. Nhưng làm sao các hình ảnh đó vốn lệ thuộc vào nền văn hóa, vào ngôn ngữ và tâm lý của ta lại có thể diễn tả được Đấng tuyệt đối và vô hình được? Chúng cung cấp cho ta một sự hiểu biết  rất “tương đối” về Thiên Chúa, và cần phải được thường xuyên xem xét lại. Đó là nói tới những hình ảnh “chính đáng”. Bên cạnh đó, rõ ràng còn có những hình ảnh ta sáng chế ra rất sai lạc phải được loại bỏ. Chẳng hạn:
- Thiên Chúa để che đậy: Biết bao lần người Kitô hữu đã bị tố cáo là che đậy thái độ hèn nhát, trốn tránh thế gian sau cái bình phong đạo đức. Thiên Chúa của những người đạo đức lẩm cẩm không phải là Thiên Chúa thật (mặc dù người lẩm cẩm vẫn có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua lòng sùng đạo lệch lạc ấy).
- Thiên Chúa là nơi ẩn náu: đồng ý là Chúa che chở, phù trì con người nhất là người nghèo khổ, bé mọn. Nhưng không khéo thì Thiên Chúa sẽ trở thành cái cớ cho những tâm hồn thiếu hụt tình cảm tìm về nương náu (thuyết của nhà phân tâm học Freud), những tâm hồn nhu nhược không dám đương đầu với những khó khăn của cuộc đời.  
Ngày nay, hơn bao giớ hết, phải thận trọng khi rao giảng về các nhân đức theo Tám Mối Phúc: đừng nói về nghèo khó như muốn lý tưởng hóa nó và cổ võ cho nó; đừng nói về khiêm nhường như nói về nhu nhược; đừng nói vế thế gian như “thung lũng đầy nước mắt” phải mau thoát ly…
Ai đọc Phúc âm Matthêu chương 25 hoặc đã thấu hiểu lời quả quyết sau đây của thánh Gioan:“Ai không thương yêu anh em mà nó thấy, cũng không thể kính mến Chúa là Đấng vô hình”, tất sẽ không thể dùng Chúa làm bình phong che đậy cuộc sống tầm thường của mình, hay làm cái cớ để tự biện bạch cho mình.
- Thiên Chúa dùng để biện minh: Biện minh cho những điều kiện vô nhân đạo của chế độ nô lệ, chế độ tư bản, cho những cuộc chiến đẫm máu (với những khẩu hiệu “Chúa muốn như thế, Chúa ở với chúng ta, Chúa Giêsu toàn thắng”…)    

3. Một ít điều cần lưu ý khi nói về Thiên Chúa

1) Coi chừng một sự hiểu biết quá chắc chắn về Thiên Chúa
Thiên Chúa vượt quá tất cả những gì ta có thể hình dung, xác định và nói về Người, bởi vì Người là Thiên Chúa (Xem Phần II, chương 5 trên đây).
Thần học Công Giáo vì muốn bảo vệ tính chính thống của Giáo lý, thường dễ rơi vào cám dỗ khuôn Thiên Chúa vào những công thức tín điều chắc nịch, không muốn cho ai sửa đổi.
Cần nhắc lại đây Lời Thánh kinh:
“Chưa ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Chính Con Một ngự trong lòng Chúa Cha đã mặc khải cho ta” (Ga 1,18)
“Không ai thấy Chúa Cha, trừ ra Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến: chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6,46)
Quả thật Thiên Chúa là “Đấng ẩn tàng”  (Deus absconditus)
Tuy chúng ta đã được Đức Giêsu Kitô mặc khải Người cho, nhưng sự mặc khải ấy lại diễn qua một ngôn ngữ và nền văn hoá nhất định, nghĩa là có giới hạn – Mà ta: là người nghe, lại cũng bị giới hạn trong ngôn ngữ và văn hoá của mình. Thần học nên bắt chước sự thinh lặng cung kính của các nhà thần bí trước mầu nhiệm Thiên Chúa.
2) Đề cao một Thiên Chúa thăng tiến con người
Thiên Chúa không phải là đối thủ của con người. Người chẳng cần gì phải cạnh tranh với thọ tạo của Người. Trái lại Người muốn và Người đã tôn vinh con người. Chính vì thế mà Người đã ban cho ta có trí khôn và tự do để cai quản trái đất này.  
Mẫu người hoàn hảo là Đức Giêsu KiTô. Người là con người sống trọn vẹn cho Chúa Cha và cho anh em đồng loại. Hai mối quan hệ ấy không loại trừ nhau hay làm hại lẫn nhau. Trái lại càng sống cho Thiên Chúa bao nhiêu, Người càng sống cho anh em bấy nhiêu, vì Thiên Chúa yêu thương, quý chuộng mọi người và mỗi người.
Con đường đi đến Thiên Chúa bắt buộc phải đi qua con người.
3) Ngôn ngữ phổ quát
Cách tốt nhất nói về Thiên Chúa là “ làm”  theo lời Phúc Âm dạy. Con người thời đại chúng ta thích các chứng nhân hơn thầy dạy, hành động hơn lý thuyết. Nếu họ có nghe ông thầy dạy nào thì chính vì ông ta đồng thời cũng là chứng nhân.
Về mặt trí thức, chắc chắn Phêrô, Gioan, và các tông đồ khác không sánh được với những Platon hay Aristote. Nhưng lời rao giảng của các Ngài có sức thuyết phục vì phát xuất từ cảm nghiệm sâu xa. Lời nói của ta về Thiên Chúa cũng phải được nung nấu trong cầu nguyện.
Ngôn ngữ phổ quát mà ai ai cũng hiểu được và dễ dàng chấp nhận, dù là người bổ báng Chúa và Giáo Hội, đó là ngôn ngữ của tình thương.
* Lịch sử tư tưởng thế kỷ XX đặt chúng ta đối diện với một sự kiện đáng chú ý: đó là sự phục hưng mạnh mẽ của suy tư triết học khắp Âu Châu. Louis Lavelle ghi nhận rằng cuộc phục hưng này trùng hợp với “sự giao động tâm trí mãnh liệt do hai cuộc chiến gây ra. Khi bị đe dọa tứ phía, cuộc sống con người liền bắt ý thức tự vấn nghiêm chỉnh về nguồn gốc và giá trị của mình. Người ta đã từ bỏ chủ nghĩa lạc quan dễ dãi của những thời đại trước, thời đại mà những ý tưởng và huyền thoại đã lần lượt sụp đổ cách tàn nhẫn. Chỉ chấp nhận những chân lý rút ra từ quan sát và kinh nghiệm về những hiện tượng (vị dụ từ thuyết Duy nghiệm của Compte), đó là đặc tính của những thời đại yên tĩnh. Những thời kỳ đau khổ và chết chóc bắt con người suy tư về ý nghĩa của cuộc sống mà họ phải cam chịu. chính lúc ấy mọi tư duy nhất thiết phải trở thành siêu hình và tôn giáo” (L. Lavelle).
Thực ra người ta không thể không biết rằng vấn đề Thượng Đế hiện hữu, nhất là từ khoảng ba mươi năm nay, đã trở thành một trong những đề tài ưu tiên của suy tư triết học. Sau một thời gian lưu đày Thượng Đế và vội vữ tuyên bố rằng Ngài đã chết, nay người ta lại gọi Ngài về. Niềm ưu tư về siêu việt phải trở về ngự trị giữa lòng tư tưởng hiện đại, một khi nó đã cảm nhận mãnh liệt vấn đề của con người: đó là một điều gần như tất nhiên. Người ta không thể nghiêm chỉnh tự vấn về con người mà rốt cục không nghiêm chỉnh tự vấn về Thượng Đế. “Đối với những người hiện đại, tín hữu hay vô thần, vấn đề Thượng Đế được đặt ra trong tương quan mất thiết với vấn đề con người, hay đúng hơn, vấn đề ấy chính là vấn đề con người và vấn đề lịch sử của họ” (J. Langlade).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét